Wifi Repeater và Wifi Mesh là hai cách thức để mở rộng phạm vi phủ sóng không dây Wifi tại nhà và văn phòng làm việc của bạn. Vậy đâu là điểm khác biệt giữa hai công nghệ trên, hãy cùng Việt Tuấn tìm hiểu chi tiết trong bài viết ngay sau đây!
1. Wifi Repeater là gì?
Wifi repeater, hay còn được gọi là Wifi extender, là một thiết bị được sử dụng để mở rộng vùng phủ sóng Wifi của một mạng không dây hiện có. Khi bộ định tuyến Wifi phát sóng, tín hiệu không dây có thể bị suy giảm khi khoảng cách giữa thiết bị và bộ định tuyến quá xa nhau hay có quá nhiều vật cản trong không gian. Vì vậy Wifi repeater được thiết kế để nhận tín hiệu Wifi từ bộ định tuyến chính và phát lại nó, tăng cường tín hiệu và mở rộng vùng phủ sóng Wifi.
Khi một thiết bị kết nối đến Wifi repeater, nó sẽ nhận được tín hiệu lặp lại thay vì từ bộ định tuyến chính. Repeater nhận và gửi lại tín hiệu Wifi, tạo ra một cầu nối trung gian giữa thiết bị kết nối và bộ định tuyến chính. Điều này cho phép các thiết bị từ xa có thể kết nối vào mạng Wifi mà không cần phải ở gần bộ định tuyến chính.
Tìm hiểu thêm thông tin về wifi repeater tại đây
2. Wifi Mesh là gì?
Wifi Mesh là một hệ thống mạng không dây được sử dụng để mở rộng vùng phủ sóng wifi trong một khu vực rộng lớn. Khác với các bộ định tuyến Wifi truyền thống và repeater, hệ thống Wifi Mesh bao gồm nhiều thiết bị được phân phối trong không gian để tạo ra một mạng lưới mạnh mẽ. Các thiết bị được sử dụng trong Wifi Mesh đều có sự tương thích và tính đồng bộ về thông số kỹ thuật và linh kiện phần cứng.
Trong một mạng Wifi Mesh, các thiết bị được gọi là "nodes" kết nối với nhau thông qua các kết nối không dây và hình thành một mạng lưới truyền tải rộng hơn, ổn định hơn. Khi một thiết bị kết nối vào mạng Wifi mesh sẽ có thể tự động chuyển đổi giữa các node mạng mà không bị mất kết nối Wifi.
Đọc thêm thông tin: Wifi Mesh là gì?
3. Mục đích sử dụng của Wifi Mesh và Wifi Repeater
Wifi Repeater và Wifi Mesh là hai công nghệ được thiết kế chủ yếu để giải quyết vấn đề cường độ tín hiệu kém, phạm vi phát sóng hẹp. Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp để nâng cao tốc độ truyền tải thì Wifi Repeater hay Wifi Mesh đều không có khả năng hỗ trợ điều này.
Joel Crane - Chuyên gia mạng không dây và Kỹ sư Wifi tại Juniper Network gợi ý người dùng có thể sử dụng công cụ miễn phí như InSSIDer Lite để lập bản đồ cường độ tín hiệu vô tuyến đang hoạt động tại nhà riêng hay văn phòng của bạn. Ứng dụng này sẽ cho bạn cái nhìn chi tiết nhất về cường độ tín hiệu mà các thiết bị định tuyến hay modem đang hoạt động. Bất kỳ cường độ tín hiệu nào trong khoảng từ -67 đến -30 dBm đều tốt. Tuy nhiên nếu cường độ tín hiệu giảm xuống dưới -67 hoặc -70 dBm, hiệu suất mạng không dây sẽ bắt đầu giảm. Dưới -80 dBm thì xin chia buồn, bạn đang có hệ thống wifi quá tệ!
Tìm hiểu thêm: Modem là gì?
4. Sự khác biệt giữa Wifi Mesh và Wifi Repeater
4.1. Wifi Repeater chỉ phát lại tín hiệu của bộ định tuyến gốc
Hầu hết người dùng Wifi Repeater quen với việc có hai điểm truy cập khả dụng bao gồm: một điểm truy cập của bộ định tuyến không dây chính cung cấp và một điểm truy cập do bộ mở rộng cung cấp. Ví dụ SmithHouse và SmithHouse_EXT. Thực tế cách thức hoạt động của Wifi Repeater là nhân bản lại tín hiệu wifi của thiết bị định tuyến gốc để mở rộng phạm vi phủ sóng trong nhà bạn.
Tuy nhiên các bộ mở rộng phạm vi Wifi có thể gây ảnh hưởng khá lớn tới hiệu suất mạng không dây. Hoạt động trên mô hình "bán song công", đồng nghĩa với việc các thiết bị không dây không thể gửi và nhận thông tin cùng một lúc. Router / Access Point phải gửi xong phần dữ liệu đến điện thoại của bạn thì mới có thể nhận lại được gói dữ liệu từ điện thoại. Tương tự, khi router đang gửi dữ liệu tới điện thoại của bạn thì không thể gửi sang các máy khác như laptop, TV, tablet... kết nối vào cùng mạng. Vì vậy khi các thiết bị Wifi Repeater truyền và nhận tín hiệu sẽ có độ trễ khá cao gây ra trải nghiệm mạng không dây kém hiệu quả.
Bên cạnh đó việc quản lý Wifi Repeater khá phức tạp và tốn khá nhiều thời gian nếu bạn sử dụng nhiều thiết bị từ các thương hiệu khác nhau. Bạn sẽ cần phải truy cập vào nhiều trình quản lý và thiết lập cấu hình cho từng thiết bị.
Lợi ích của Wifi Repeater chính là chi phí triển khai rẻ hơn so với Mesh. Nếu bạn chỉ cần mở rộng Wifi cho nhà riêng hay văn phòng có diện tích nhỏ và không cần tốc độ quá cao thì Wifi Repeater đã đủ khả năng đáp ứng.
Tham khảo thêm: Độ rộng kênh Wi-Fi là gì? Sự khác biệt giữa Wi-Fi 20MHz và Wi-Fi 40MHz
4.2 Wifi Mesh mang lại hiệu suất tốt hơn cho mạng không dây
Wifi Mesh sẽ là công cụ hoàn hảo hơn giúp bạn tối ưu hiệu quả phạm vị phủ sóng trong ngôi nhà của bạn. Thay vì nhân bản tín hiệu wifi từ thiết bị định tuyến chính, Wifi Mesh sử dụng nhiều thiết bị AP có cùng thông số kỹ thuật và thông tin đăng nhập, thiết lập xung quanh ngôi nhà của bạn để tạo ra một mạng Wifi có độ phủ sóng vượt trội hơn. Một hệ thống Wifi Mesh thường sẽ có tối thiểu 2 thiết bị trở lên. Một bộ phát wifi đóng vai trò làm node chính, gắn vào modem internet trong nhà để phát mạng tới các node phụ trong mạng. Một số những điểm khác biệt của Wifi Mesh khi so sánh với Wiifi Repeater:
- Các hệ thống Wifi Mesh tại nhà như Eero, Google Nest WiFi, Linksys Velop hay Wireless Uplink sử dụng các node thiết bị có cùng một tên mạng (SSID), điều này cho phép các thiết bị thu sóng Wifi của bạn như điện thoại, laptop có thể chuyển vùng giữa các điểm truy cập dạng lưới một cách trơn tru. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về SSID tại đây.
- Các hệ thống lưới cũng có thể khắc phục một số vấn đề về tốc độ mà các bộ mở rộng gặp phải bằng cách sử dụng nhiều anten để gửi và nhận dữ liệu đồng thời. Đối với các thiết bị định tuyến hỗ trợ băng tần kép, bạn có thể sử dụng băng tần 2,4 GHz để truyền tải dữ liệu tới các thiết bị khách và sử dụng băng tần 5 GHz để chuyển tiếp dữ liệu giữa các điểm truy cập lưới khác trong Wifi Mesh.
- Hiện nay một số điểm truy cập hiện đại được trang bị tới ba băng tần truyền tải: một băng tần dành riêng để truyền phát dữ liệu tới các bộ định tuyến khác và hai băng tần để truyền dữ liệu tới laptop, điện thoại và các thiết bị khách khác. Điều này đặc biệt hữu ích khi bạn thiết lập Wifi Mesh tại những khu vực có mật độ thiết bị đông đúc.
- Một số hệ thống Wifi Mesh tiên tiến còn hỗ trợ chức năng Backhaul Communication: ngoài hai kênh 2,4GHz và 5GHz để giao tiếp với thiết bị khách thì thiết bị còn có một bộ phát sóng chuyên biệt để giao tiếp giữa các điểm AP với nhau.
- Cuối cùng, việc thiết lập và quản lý mạng của bạn sẽ dễ dàng hơn nhiều với hệ thống Wifi Mesh hiện đại. Thay vì phải thiết lập cho từng thiết bị, bạn có thể quản lý toàn bộ thiết bị AP trên nhiều nền tảng như điện thoại thông minh, laptop, PC. Ví dụ ứng dụng Unifi Controller của thương hiệu Ubiquiti cho phép bạn quản lý tập trung các thiết bị AP để tạo thành mạng Wifi Mesh hoàn chỉnh.
- Ngoài ra một số hệ thống Wifi Mesh tiên tiến hiện nay cũng cho phép việc tự động cập nhật chương trình cơ sở. Đây thực sự là một bước tiến vượt bậc so với hầu hết các bộ định tuyến truyền thống, yêu cầu bạn cần phải kiểm tra bản cập nhật trên Website của hãng và cập nhật trên bộ định tuyến của bạn một cách thủ công.
Tham khảo thêm: Băng tần Wifi là gì? Các loại băng tần phổ biến nhất hiện nay
5. Tổng kết
Trên đây là bài viết so sánh Wifi Repeater và Wifi Mesh mà Việt Tuấn đã chia sẻ đến quý bạn đọc. Hiện nay, đây là hai công nghệ tiêu biểu, được sử dụng để mở rộng phạm vi phủ sóng không dây wifi tại nhà riêng hay văn phòng của bạn. Nếu bạn không đòi hỏi quá nhiều về tốc độ wifi, có thể sử dụng các dòng Wifi Repeater với chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên nếu bạn có điều kiện hãy sử dụng Wifi Mesh - Lựa chọn hàng đầu hiện nay để tạo nên mạng Wifi rộng hơn, kết nối ổn định và tận dụng nhiều công nghệ truyền tải đa luồng tín hiệu để nâng cao trải nghiệm mạng không dây hiệu quả. Nếu bạn đọc vẫn còn bất kỳ thắc mắc nào về hai công nghệ trên, liên hệ ngay cho Việt Tuấn để được giải đáp chi tiết nhất.
Bài viết hay, rất hữu ích.