Chọn MENU

Oracle là gì? Những thông tin về hệ quản trị cơ sở dữ liệu Oracle

Lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1979, hệ thống quản trị Oracle đã và đang là nhà cung cấp database lớn nhất trên thị trường hiện nay. Bài viết ngay sau đây hãy cùng Viettuans tìm hiểu chi tiết về Oracle là gì? Lịch sử phát triển và lợi ích mà hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu Oracle mang lại cho các doanh nghiệp hiện nay.

1. Oracle là gì?

Oracle là gì? Trả lời cho câu hỏi này thì Oracle được biết đến là là một hệ thống quản trị Database lớn nhất hiện nay, sản phẩm chủ đạo của hãng công nghệ cùng tên trong lĩnh vực quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ, viết tắt là RDBMS (Relational Database Management System). 

Oracle RDBMS được sử dụng phổ biến trong các hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu nhờ vào sự ổn định, hiệu suất cao, tính bảo mật vượt trội và khả năng mở rộng dễ dàng. Oracle Database được sử dụng trong các ứng dụng doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng, thương mại điện tử và các lĩnh vực khác trong thời đại hiện nay.

Oracle cung cấp các tính năng và công nghệ tiên tiến như: Tối ưu hóa truy vấn, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu, quản lý bộ nhớ đệm, sao lưu và khôi phục cơ sở dữ liệu, bảo mật và kiểm soát truy cập và hỗ trợ các chuẩn và giao thức kết nối nhằm hỗ trợ quản trị viên quản lý và duy trì cơ sở dữ liệu của họ.

Bên cạnh đó, hệ quản trị cơ sở dữ liệu Oracle cũng được tích hợp vô số các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như lưu trữ đám mây, ứng dụng học máy và trí tuệ nhân tạo cùng rất nhiều các công nghệ khác để đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng phức tạp.

Oracle cho phép bạn tương tác với Database thông qua một ngôn ngữ SQL. 

gif-mui-tenTìm hiểu thêm: Hệ quản trị cơ sở dữ liệu là gì? Vai trò của hệ quản trị cơ sở dữ liệu

Hệ quản trị cơ sở dữ liệu Oracle cũng được tích hợp vô số các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay
Hệ quản trị cơ sở dữ liệu Oracle cũng được tích hợp vô số các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay

2. Các phiên bản Oracle chính thức hiện nay

Bạn đọc có thể tham khảo một số phiên bản Oracle Database hiện đang được ứng dụng trong nhiều mô hình doanh nghiệp như:

  • Phiên bản Standard One: Dành cho các đơn vị sử dụng duy nhất một hệ thống máy chủ server. Phiên bản này bị hạn chế khá nhiều tính năng.
  • Phiên bản Standard: Đây là bản nâng cấp so với phiên bản Standard one, phù hợp với các doanh nghiệp sử dụng hệ thống máy chủ lớn hơn. 
  • Phiên bản Enterprise: Phiên bản tốt nhất dành cho doanh nghiệp, cung cấp rất nhiều tính năng hiện đại như bảo mật, tính toán hiệu suất, mở rộng phiên bản… Phiên bản Oracle Enterprise là lựa chọn hàng đầu cho các ứng dụng về giao dịch trực tuyến đòi hỏi tính bảo mật cao. 
  • Phiên bản Express: Đây là phiên bản miễn phí, bất kỳ ai cũng đều có thể tải về, sử dụng, triển khai với hệ thống cơ sở dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp.. 
  • Phiên bản Personal: Đây là phiên bản có các tính năng giống phiên bản Enterprise nhưng được bỏ đi tính năng Oracle Real Application Cluster. 

gif-mui-tenXem thêm bài viết liên quan: SAN là gì? Đặc điểm và lợi ích khi sử dụng SAN Storage là gì?

Các phiên bản Oracle chính thức
Các phiên bản Oracle chính thức

3. Lịch sử hình thành và phát triển của Oracle Database

  • Oracle Database là một sản phẩm của công ty Oracle Corporation, được thành lập vào năm 1977 bởi Larry Ellison, Bob Miner và Ed Oates. Ban đầu, công ty cung cấp các giải pháp phần mềm cho các hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu khác, trước khi phát triển riêng một hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ vào những năm 1980.
  • Phiên bản đầu tiên của Oracle Database, Oracle V2, được phát hành vào năm 1979 và chạy trên hệ điều hành Digital Equipment Corporation (DEC) PDP-11. 
  • Oracle V3 được phát hành vào năm 1983 và là phiên bản đầu tiên chạy trên hệ thống UNIX. Phiên bản này cũng có tính năng quản lý bộ nhớ đệm và các công cụ tối ưu hóa truy vấn, giúp cải thiện hiệu suất.
  • Oracle Database V4 và V5 lần lượt được phát hành vào năm 1984 - 1985 hỗ trợ mô hình mạng máy tính bao gồm máy khách và máy chủ. Oracle v5 là phiên bản đầu tiên tương thích với OS/2 - Hệ điều hành máy tính được tạo ra bởi Microsoft và IBM.
  • Oracle Database V8 - V10 được phát hành lần lượt vào năm 1997 - 2003 - 2004,bổ sung các tính năng mới như hỗ trợ XML, khả năng phân tán cơ sở dữ liệu, các tính năng mới cho ngôn ngữ SQL và các tính năng mới cho quản lý bảo mật. 
  • Cho đến nay, phiên bản mới nhất của Oracle Database là version 21c được công bố vào tháng 12 năm 2020 mang tới một kho tính năng tiện lợi gồm: Blockchain, hỗ trợ kiểu dữ liệu Native JSON, thực thi các đoạn mã JavaScript, SQL Macros, In-Memory Enhancements, Automatic Zone Maps, Machine learning, hệ thống tệp PMEM cải tiến đáng kể về độ trễ và băng thông so với SSD và HDD truyền thống.

Trong suốt quá trình phát triển, Oracle Database đã trở thành một trong những hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu phổ biến nhất trên thế giới, được sử dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp và tổ chức lớn để quản lý và lưu trữ dữ liệu. Các tính năng và công nghệ tiên tiến của Oracle Database đã giúp nó trở thành một sản phẩm quan trọng và có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực quản lý cơ sở dữ liệu.

gif-mui-tenTìm hiểu thêm: Băng thông là gì? Tìm hiểu về băng thông mạng (Bandwidth)

Lịch sử hình thành và phát triển của Oracle Database
Lịch sử hình thành và phát triển của Oracle Database

4. Ưu/ Nhược điểm của hệ thống quản trị Oracle là gì?

Cơ sở dữ liệu Oracle đã và đang được ứng dụng bởi đại đa số các doanh nghiệp trên thế giới nhờ vào những ưu điểm đáng kể như:

  • Độ ổn định cực kỳ cao, dữ liệu luôn được chuẩn bị sẵn sàng để truy cập nhanh chóng.
  • Hệ thống quản trị dữ liệu quy mô lớn vừa đảm bảo tốc độ truy vấn nhanh vừa đảm bảo tính chính xác.
  • Chất lượng bảo mật đáp ứng tốt các yêu cầu về bảo mật doanh nghiệp hiện nay.
  • Hoạt động đa nền tảng, hỗ trợ quản lý nhiều dạng dữ liệu phức tạp.
  • Hỗ trợ đắc lực từ nhà phát hành: Hãng phát hành Oracle Database sẽ tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý triệt để các sự cố xảy ra.
  • Tài nguyên nguồn mở luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà phân tích, nhà khoa học trong việc triển khai cơ sở dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp.
  • Đơn giản hóa và tiết kiệm chi phí: Oracle với hỗ trợ các doanh nghiệp cắt giảm chi phí triển khai cho các giải pháp quản trị dữ liệu.
  • Failure Recovery: Cung cấp khả năng sao lưu và lấy lại các tệp cơ sở dữ liệu trong downtime hoặc outages
Ưu điểm của hệ thống quản trị Oracle
Một số ưu điểm của hệ thống quản trị Oracle

Tuy nhiên hệ quản trị cơ sở dữ liệu này vẫn tồn tại những giới hạn nhất định như:

  • Chi phí bản quyền khá cao
  • Ngôn ngữ sử dụng khá phức tạp, đòi hỏi nhân viên quản trị có kinh nghiệm và hiểu biết chuyên sâu.

5. Các tính năng đáng chú ý của Oracle Database

5.1 Khả năng mở rộng và nâng cao hiệu suất

Oracle Database được thiết kế với khả năng mở rộng và hiệu suất cao thông qua một số các tính năng:

  • Tối đa hóa hệ thống dữ liệu, nâng cao hiệu suất để phục vụ cho nhiều thiết bị cùng sử dụng đồng thời.
  • Giúp việc chỉnh sửa và truy xuất dữ liệu trở nên nhất quán hơn. Trong trường hợp đối tượng A đang truy xuất thông tin, thông tin đó sẽ không thể bị thay đổi bởi đối tượng B cho đến khi đối tượng A kết thúc phiên truy xuất dữ liệu. Thông tin lúc này mới có thể được sửa đổi bởi đối tượng B. 
Nâng cao hiệu suất để phục vụ cho nhiều thiết bị cùng sử dụng đồng thời.
Nâng cao hiệu suất để phục vụ cho nhiều thiết bị cùng sử dụng đồng thời.

5.2 Tính năng sao lưu và phục hồi CSDL thời gian thực

Tính năng sao lưu và phục hồi dữ liệu là một trong những tính năng cực kỳ quan trọng của Oracle. Oracle Database giúp khắc phục các rủi ro hỏng hóc hay mất dữ liệu bằng cách sao lưu, phục hồi dữ liệu được tích hợp sẵn, ngay cả khi người dùng đang làm việc.

gif-mui-tenTìm hiểu thêm: Backup là gì? Tầm quan trọng của backup dữ liệu máy tính

5.3 Bảo mật và tích hợp thông tin

Oracle cung cấp các tính năng bảo mật tại nguồn bao gồm:

  • TDE: Mã hóa dữ liệu theo thời gian thực, hỗ trợ bảo vệ thông tin nhạy cảm của doanh nghiệp.
  • Data Redaction: Hỗ trợ mã hóa và ẩn truy cập dữ liệu nhạy cảm.

Oracle Database có thể mã hóa dữ liệu tại nguồn ngay cả khi đăng xuất bằng các giải pháp được nêu trên. Qua đó đảm bảo an ninh hệ thống và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng.

Bên cạnh đó Oracle có tính năng bổ sung, trao đổi dữ liệu từ xa và đảm bảo tính nhất quán giúp người dùng dễ dàng tích hợp thông tin.

Oracle cung cấp các tính năng bảo mật tại nguồn
Oracle cung cấp các tính năng bảo mật tại nguồn

6. Kiến trúc hạ tầng của Oracle Database

Kiến trúc Oracle database bao gồm 3 lớp: lớp dữ liệu, lớp xử lý và lớp bộ nhớ.

6.1 Lớp dữ liệu (File systems)

Lớp dữ liệu bao gồm các tập tin dữ liệu được tổ chức lưu trữ trên các ổ đĩa cứng của một hoặc nhiều máy chủ server khác nhau. Khi các máy trạm gửi yêu cầu truy xuất dữ liệu, phần dữ liệu được yêu cầu sẽ được truy xuất trước đó từ đĩa cứng vào bên trong bộ nhớ của máy chủ. Qua đó nâng cao tốc độ truy xuất dữ liệu trên các máy trạm diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Thông thường bên trong một CSDL Oracle sẽ lưu trữ rất nhiều loại tập tin dữ liệu, bao gồm:

  • Tập tin tham số (Init file): Chứa các thông tin cơ sở liên quan đến tên CSDL, vị trí của các tập tin điều khiển...
  • Tập tin điều khiển (Control file): Chứa các thông tin liên quan đến thời gian cấu hình CSDL, vị trí của CSDL...
  • Tập tin dữ liệu (database file): Chứa dữ liệu thật sự của Database.
  • Tập tin lưu vết (redo log file): Chứa các hành động chỉnh sửa dữ liệu bao gồm các thao tác: thêm, sửa, huỷ.
Lớp dữ liệu (File systems)
Lớp dữ liệu gồm các tập tin dữ liệu được tổ chức lưu trữ trên các ổ đĩa cứng của một hoặc nhiều máy chủ server

6.2 Lớp xử lý (Background processes)

Lớp xử lý máy chủ sẽ đảm bảo sự ăn khớp của mối quan hệ giữa phần CSDL vật lý và phần hiển thị trong bộ nhớ. Lớp xử lý sẽ bao gồm các công cụ như:

  • Xử lý ghi vào CSDL (Database writer): Tự động thực hiện khi dữ liệu trên vùng đệm của bộ nhớ máy tính tới giới hạn lưu trữ, khi đó hệ thống sẽ đọc và ghi vào CSDL các dữ liệu bị thay đổi và giải phóng vùng đệm bộ nhớ của máy tính.
  • Xử lý ghi vào tập tin log (Log writer): Tự động thực hiện việc ghi nhận xuống tập tin log các thông tin dữ liệu trong quá trình xử lý giúp đảm bảo an toàn cho lưu trữ dữ liệu.
Lớp xử lý (Background processes)
Lớp xử lý máy chủ sẽ đảm bảo sự ăn khớp của mối quan hệ giữa phần CSDL vật lý và phần hiển thị trong bộ nhớ

6.3 Lớp bộ nhớ (Memory)

Lớp bộ nhớ sẽ bao gồm nhiều thành phần khác nhau được lưu trữ trên vùng đệm bộ nhớ máy tính nhằm cải thiện tốc độ xử lý trong cơ sở dữ liệu Oracle. Lớp bộ nhớ sẽ phân thành 2 khu vực chính: 

  • Khu vực bộ nhớ chia sẻ (System Global Area – SGA): Khu vực bộ nhớ cho phép nhiều phiên làm việc (session) có thể chia sẻ dữ liệu trên đó. Các dữ liệu cần thiết để phục vụ cho câu lệnh của người sử dụng đã được truy xuất từ ổ đĩa và nạp vào SGA. Vì vậy các dữ liệu này sẽ không cần phải truy xuất lại từ ổ đĩa cứng trong lần làm việc tiếp theo.
  • Khu vực bộ nhớ riêng tư (Program Global Area – PGA): Khu vực chứa các dữ liệu độc quyền phục vụ cho từng session người dùng bao gồm: thông tin riêng biệt của session, hay giá trị cụ thể của các biến được session sử dụng.

gif-mui-tenĐọc thêm: Session layer là gì? Cách thức hoạt động của Session layer

Lớp bộ nhớ (Memory)
Lớp bộ nhớ (Memory) gồm nhiều thành phần khác nhau được lưu trữ trên vùng đệm bộ nhớ máy tính

7. Tổng kết

Bài viết trên Viettuans.vn đã cung cấp đến bạn đọc các thông tin chi tiết về Oracle Database. Cơ sở dữ liệu Oracle đã trở thành một trong những hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu phổ biến nhất trên thế giới, được sử dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp và tổ chức lớn để quản lý và lưu trữ dữ liệu. Nếu bạn đọc còn bất kỳ thắc mắc nào xoay quanh Oracle là gì? hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để nhận được giải đáp chi tiết nhất!

Chia sẻ

Nguyễn Lưu Minh

Chuyên gia của Viettuans.vn với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết bị mạng Networks, System, Security và tư vấn, triển khai các giải pháp CNTT. Phân phối thiết bị mạng, wifi, router, switch, tường lửa Firewall, thiết bị lưu trữ dữ liệu NAS.

0903.209.123
0903.209.123