Các mối đe dọa an ninh mạng thường trực đã và đang làm suy yếu khả năng phòng thủ của cá hệ thống mạng doanh nghiệp, đe dọa trực tiếp tới dữ liệu nhạy cảm của người dùng và tổ chức, lợi dụng lỗ hổng bảo mật trên các ứng dụng hay thiết bị đầu cuối để làm bàn đạp tấn công toàn bộ cơ sở hạ tầng CNTT. Hãy cùng Việt Tuấn tìm hiểu về TOP 7 mối đe dọa an ninh mạng thường trực trong thời đại 4.0 cùng cách phòng chống hiệu quả sẽ được phân tích qua bài viết ngay sau đây!
1. Các mối đe dọa từ mạng công cộng
Nếu mạng doanh nghiệp của bạn được kết nối với Internet công cộng, mọi mối đe dọa trên Internet cũng có thể khiến doanh nghiệp của bạn dễ bị tấn công. Những mối đe dọa này bao gồm:
- Trang web giả mạo: Các trang web được những kẻ tấn công thiết kế để lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dùng internet.
- Phần mềm độc hại có thể tải xuống: Khi được nhấp vào, các liên kết trong email hoặc tiện ích mở rộng trên trang web sẽ ngay lập tức tải phần mềm độc hại xuống thiết bị của người dùng. Điều này cũng có thể xảy ra khi người dùng không có sự hiểu biết tải ứng dụng hoặc tập tin từ nguồn không xác định hoặc các trang web giả mạo.
- Các cuộc tấn công lừa đảo dựa trên email: Những cuộc tấn công này có thể bao gồm cả hai cuộc tấn công trên và thường nhắm mục tiêu vào nhân viên công ty thông qua tài khoản email doanh nghiệp của họ.
- Tấn công DNS: Các hình thức tấn công DNS được tin tặc thực hiện thường hướng tới việc chiếm quyền điều khiển, chuyển hướng địa chỉ DNS của trang web hợp pháp và đưa người dùng đến một trang web độc hại đã được chúng thiết kế từ trước.
Tìm hiểu thêm: DNS là gì? Những thông tin bạn cần biết về DNS
Những vấn đề này có thể đe dọa mạng doanh nghiệp vì lưu lượng truy cập độc hại từ internet công cộng có thể xâm nhập và lây nhiễm giữa các mạng lưới doanh nghiệp. Hiện nay, mạng lưới kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp thường rất phức tạp, bao gồm nhiều hạ tầng như mạng biên, mạng di động cũng như mạng văn phòng chi nhánh và SAN.
Để bảo vệ mạng doanh nghiệp của bạn khỏi các mối đe dọa từ internet công cộng, hãy thực hiện những điều sau:
- Thiết bị tường lửa thế hệ mới (NGFW): Cài đặt tường lửa giữa Internet công cộng và mạng riêng của tổ chức bạn giúp lọc một số lưu lượng độc hại ban đầu.
- Bảo vệ điểm cuối trên tất cả các thiết bị: Mọi thiết bị kết nối vào mạng đều có thể trở thành một mối đe dọa tiềm ẩn và cần được theo dõi và xử lý kịp thời. Điều này bao gồm các thiết bị thông minh IoT.
- Phân đoạn mạng: Công nghệ phân đoạn yêu cầu thiết lập chính sách cho từng phân đoạn mạng, quản lý lưu lượng nào có thể di chuyển giữa các mạng con và giảm thiểu rủi ro của các cuộc tấn công lan truyền.
2. Các cuộc tấn công DoS và DDoS
Các cuộc tấn công DDoS có thể khiến các ứng dụng và trang web công khai của bạn không thể truy cập được, gây tổn thất lớn về mặt doanh thu và cả uy tín của doanh nghiệp cùng lòng tin của khách hàng.
Một cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DoS) thường nhắm tới việc gây quá tải và cạn kiệt tài nguyên hạ tầng mạng doanh nghiệp, thường là mạng nội bộ hoặc ứng dụng quan trọng bằng cách gửi quá nhiều yêu cầu hoặc lưu lượng truy cập chỉ trong 1 khoảng thời gian ngắn.
Một cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) lại có quy mô lớn hơn, số lượng thiết bị đầu cuối được tin tặc sử dụng có thể lên tới hàng triệu thiết bị với các IP khác nhau không cùng 1 vị trí. Với số lượng khổng lồ thiết bị bị chiếm quyền điều khiển như trên cùng gửi yêu cầu, bất kỳ hệ thống mạng của doanh nghiệp dù lớn đến đâu cũng không thể xử lý được, dẫn tới việc ngừng hoạt động, quá tải hệ thống.
Hãy tưởng tượng bạn là một nhà bán lẻ có 50 địa điểm cửa hàng. Nếu hệ thống điểm bán hàng nội bộ của bạn ngừng hoạt động, bạn sẽ không thể hoàn tất các giao dịch tại cửa hàng cho đến khi sự cố ngừng hoạt động của máy chủ được khắc phục.
Đối với những khách hàng như nhà bán lẻ cũng như ngân hàng và nhà cung cấp phần mềm kinh doanh, việc hệ thống mạng ngừng hoạt động có thể gây tổn hại đến danh tiếng cũng như tổn thất tài chính vô cùng to lớn.
Việc bảo vệ doanh nghiệp của bạn khỏi các cuộc tấn công DoS và DDoS là một thách thức lớn bởi quy mô thiết bị mà tin tặc sử dụng trong mỗi cuộc tấn công. Và đặc biệt, yêu cầu được gửi tới từ nhiều địa chỉ IP hay vị trí khác nhau vì vậy sẽ gây khó dễ cho nhân viên bảo mật trong việc lần ra địa chỉ IP và vị trí của kẻ tấn công.
Triển khai proxy ngược trên máy chủ là cách thức để giảm ảnh hưởng của các cuộc tấn công DDoS chỉ nhắm vào một máy chủ. Proxy ngược có địa chỉ IP riêng, vì vậy khi địa chỉ IP từ nhiều nguồn được gửi tới gây quá tải máy chủ, chúng sẽ được di chuyển đến địa chỉ IP của proxy. Lưu ý rằng kỹ thuật này sẽ không bảo vệ các cuộc tấn công DDoS trên nhiều máy chủ cùng một lúc.
3. Giao thức mạng không an toàn và lỗi thời
Một số phiên bản cũ hơn của giao thức mạng sẽ tồn tại những lỗ hổng có thể bị tin tặc khai thác. Việc cập nhập các phiên bản mới có thể giúp ích cho doanh nghiệp trong việc vá lỗi, sửa chữa những lỗ hổng bảo mật. Thực tế lại chỉ ra nhiều doanh nghiệp và hệ thống hiện nay vẫn đang sử dụng các giao thức mạng phiên bản cũ.
Ví dụ: SNMP v1, v2 hay bất kỳ phiên bản SSL và TLS nào cũ hơn phiên bản TLS 1.3 đều tồn tại lỗ hổng, bao gồm các lỗ hổng cho phép các cuộc tấn công POODLE và tấn công BEAST.
Để ngăn chặn các cuộc tấn công như thế này, hãy đảm bảo hệ thống mạng của doanh nghiệp sử dụng phiên bản TLS mới nhất. Nhiều lỗ hổng mạng sẽ đã được khắc phục, vì vậy tốt nhất bạn nên sử dụng các phiên bản giao thức mới nhất để giảm thiểu tối đa các mối đe dọa đã biết.
Đừng quên vô hiệu hóa các phiên bản giao thức SSL và TLS cũ hơn trên hệ thống mạng của doanh nghiệp bất kể việc tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu như PCI DSS. Ngoài ra, nếu hệ thống mạng vẫn sử dụng giao thức không an toàn như HTTP, hãy nhanh chóng chặn quyền truy cập vào bất kỳ kết nối nào sử dụng giao thức đó
Xem thêm: Protocol là gì? Kiến thức, các loại giao thức mạng Protocol
4. Cấu hình hệ thống mạng sai cách
Việc cấu hình sai các thiết bị trong hệ thống mạng, hoặc đơn giản như 1 giao thức, 1 chính sách bảo mật hay quy tắc mạng có thể biến toàn bộ máy chủ, cơ sở dữ liệu hoặc tài nguyên đám mây thành miếng mồi ngon cho các cuộc tấn công mạng.
Ngay cả việc không thay đổi mật khẩu mặc định của bộ định tuyến cũng có thể tạo ra cơ hội cho phép tin tặc truy cập dễ dàng hơn vào các nền tảng quản lý và thay đổi cài đặt mạng theo hướng có lợi cho chúng.
Để giải quyết các lỗi cấu hình sai, tốt nhất doanh nghiệp nên đầu tư vào giải pháp cấu hình tự động hoặc một công cụ bảo mật mạng có thể xác định các cấu hình sai. Vì các lỗi cấu hình mạng rất khó tìm, tốn nhiều thời gian và công sức của nhân viên CNTT. Việc giải quyết bằng công nghệ tự động hóa giúp tiết kiệm thời gian cho nhóm CNTT và giảm nguy cơ tạo ra sự cố khác khi cố gắng khắc phục.
Nếu tổ chức của bạn chọn cấu hình lại các giao thức, thiết bị mạng theo cách thủ công, hãy đảm bảo rằng quản trị viên và kỹ sư mạng có kinh nghiệm và đủ khả năng. Đây không phải là công việc dành cho nhân viên mạng hoặc CNTT thiếu kinh nghiệm, vì ngay cả một kỹ sư chuyên môn cũng có thể dễ dàng mắc lỗi cấu hình.
5. Kiểm soát truy cập mạng
Truy cập mạng trái phép cung cấp cho kẻ xấu đường dẫn trực tiếp vào cơ sở hạ tầng của bạn. Và người dùng mạng không chỉ cần được cấp phép, họ cũng cần được xác thực. Các doanh nghiệp cần áp dụng đa lớp xác thực để xác minh danh tính của người dùng để giảm thiểu tối đa rủi ro bị truy cập trái phép.
Thật không may, một số tổ chức hoàn toàn không mấy chú trọng vào các biện pháp kiểm soát quyền truy cập mạng hoặc chỉ sử dụng cơ chế kiểm soát đơn giản, chẳng hạn như một mật khẩu chung hoặc cấp quyền quản trị viên cho tất cả người dùng. Điều này nguy hiểm vì nếu kẻ xấu đánh cắp thông tin đăng nhập của bất kỳ người dùng, họ sẽ có toàn quyền quản trị viên và có thể thay đổi hệ thống.
Tất cả các hệ thống kiểm soát truy cập cần đảm bảo những yếu tố như cơ chế xác thực yêu cầu người dùng cung cấp dữ liệu, như mã PIN, mật khẩu hoặc quét sinh trắc học, để chứng minh họ là người dùng được ủy quyền.
1 điều quan trọng khác nằm ở yếu tố phân quyền cho từng người dùng. Kiểm soát quyền truy cập cho phép các tổ chức thiết lập từng thẩm quyền riêng cho từng user trên mạng, bao gồm quyền xem, xét duyệt và quyền chỉnh sửa. Cách tốt nhất là cung cấp cho người dùng cấp độ truy cập mà họ cần để thực hiện công việc, được gọi là nguyên tắc đặc quyền tối thiểu hoặc không tin cậy.
6. Các mối đe dọa an ninh mạng từ chính con người
Nhân viên mắc lỗi, cho dù đó là một dòng mã vô tình hay mật khẩu bộ định tuyến bị lộ cũng có thể là nguyên nhân của những sự kiến an ninh mang không đáng có. Nguyên nhân được gây ra bởi con người dù to hay nhỏ đều có mặt khi 1 vấn đề bảo mật xảy ra.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi giáo sư Stanford và nhà cung cấp bảo mật Tessian, con người là tác giả của 85% nguyên nhân gây ra các sự kiện an ninh mạng. Có thể kể đến 1 số trường hợp:
- Làm lộ tài khoản bộ định tuyến hoặc bất kỳ thiết bị mạng trong hệ thống bằng cách chia sẻ qua email hoặc Slack.
- Cấu hình kiểm soát truy cập mạng không chính xác.
- Cho phép người lạ ngoài doanh nghiệp đi vào cơ sở lưu trữ phần cứng và quản lý phần mềm mạng.
- Các mối đe dọa nội bộ có chủ đích đến từ những nhân viên chọn cách phản bội lòng tin của tổ chức để vụ lợi hoặc có người xúi giục. Những kẻ nội gián thường sẽ có tài khoản truy cập ở mức cao, cho phép khai thác thông tin độc quyền hoặc dữ liệu khách hàng. Họ có thể bán chúng cho bên thứ ba hoặc đòi tiền chuộc. Ngoài ra, một số nhân viên mang theo thông tin độc quyền khi rời công ty hoặc giữ lại thông tin đăng nhập sau khi chấm dứt hợp đồng. Đây là những vấn đề nhức nhối vẫn đang diễn ra hiện nay.
Tìm hiểu sâu hơn về an ninh mạng qua bài viết: An ninh mạng là gì? Những điều bạn cần biết về an ninh mạng
Để giảm thiểu tối đa những rủi ro về mối đe dọa nội bộ:
- Tổ chức các buổi đào tạo về an ninh mạng thường xuyên cho đội ngũ nhân viên công ty
- Trao dồi kiến thức về bảo mật, các hình thức tấn công & lừa đảo thông tin.
- Áp dụng trình quản lý mật khẩu để giúp nhân viên quản lý thông tin xác thực của họ một cách an toàn.
- Triển khai công nghệ ngăn ngừa mất dữ liệu (DLP) và nâng cao nhận thức về khả năng xảy ra các mối đe dọa nội bộ. Việc bảo vệ cả dữ liệu khách hàng và dữ liệu độc quyền là rất quan trọng để duy trì danh tiếng và tuân thủ quy định về bảo mật dữ liệu.
- Phân tích hành vi cho người dùng mạng ít nhất là một công cụ hữu ích để xác định hành vi bất thường. Nếu người trong nội bộ rò rỉ dữ liệu hoặc thay đổi thông tin xác thực, điều này cho thấy rằng họ có thể đang cố tình làm điều gì đó.
- Thực hiện kiểm tra lý lịch nhân sự giúp doanh nghiệp tuyển dụng được những cá nhân đáng tin cậy.
7. Truy cập từ xa
Trong vài năm qua, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19, việc sử dụng kết nối từ xa để truy cập vào mạng hoặc tài nguyên dữ liệu doanh nghiệp đã trở thành một cách phổ biến của nhân viên khi làm việc tại nhà. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, giao thức Remote Desktop Protocol (RDP) đã bị khai thác và trở thành một trong những phương tiện tấn công ransomware phổ biến nhất.
Những kẻ tấn công có thể tìm thấy và khai thác lỗ hổng của RDP bằng nhiều kỹ thuật chuyên nghiệp hoặc chỉ đơn giản là đoán mật khẩu. Trojan truy cập từ xa cũng cho phép kẻ tấn công điều khiển thiết bị người dùng từ xa sau khi phần mềm độc hại đã được tải xuống máy tính thông qua tệp đính kèm email hoặc phần mềm khác.
Các kết nối mạng không an toàn khác như Wifi không được bảo vệ, cho phép kẻ trộm đánh cắp thông tin đăng nhập và sau đó đăng nhập vào các ứng dụng kinh doanh từ quán cà phê và các địa điểm công cộng khác.
Nếu doanh nghiệp của bạn vẫn có kế hoạch sử dụng giao thức truy cập từ xa RDP:
- Giới hạn số lần thử mật khẩu chỉ một vài lần.
- Đặt mật khẩu khó đoán để truy cập RDP.
- Giới hạn quyền truy cập vào các địa chỉ IP cụ thể được gắn với thiết bị của nhân viên.
- Định cấu hình các chính sách người dùng nghiêm ngặt cho RDP, bao gồm quyền truy cập đặc quyền tối thiểu. Chỉ những người cần kết nối từ xa để thực hiện công việc của họ mới có quyền truy cập.
8. Làm thế nào bạn có thể phát hiện các mối đe dọa?
Mặc dù các mối đe dọa an ninh mạng đến từ nhiều nguồn nhưng doanh nghiệp vẫn cần một bộ công cụ và chiến lược bảo mật đáng tin cậy để xác định phần lớn các hình thức độc hại. Bảo mật mạng ngoại vi, đánh giá lỗ hổng và tự động hóa đều giúp doanh nghiệp xác định các mối đe dọa và cho nhóm của họ thời gian để phát triển giải pháp.
8.1 Quản Lý Tường Lửa
Việc sử dụng các hệ thống tường lửa thế hệ mới có thể được cấu hình để gửi cảnh báo khi phát hiện lưu lượng truy cập bất thường. Nếu các gói dữ liệu được lưu thông trong mạng hoạt động bất thường, đó là dấu hiệu cảnh báo sớm cho đội ngũ CNTT. Thông tin về mối đe dọa từ NGFW là rất quan trọng để xác định sớm lưu lượng truy cập độc hại. Một số dòng thiết bị tường lửa hiện đại cũng cung cấp các tính năng lọc địa chỉ Web độc hại, Antivirus, antispam…
8.2 Giám Sát thiết bị mạng
Giám sát các thiết bị mạng và lưu lượng truy cập giúp doanh nghiệp quan sát các mẫu trong một khoảng thời gian. Các giải pháp giám sát nâng cao như NDR thậm chí còn có thể quét lưu lượng được mã hóa, nơi một số mối đe dọa có thể đã lọt qua kẽ hở.
Việc bảo mật các thiết bị IoT không chỉ là thách thức mà còn phải xác định các mối đe dọa từ mạng lưới thiết bị thông minh phân tán. Xác định tất cả các lỗ hổng của thiết bị và triển khai giám sát lưu lượng mạng được thiết kế riêng cho hạ tầng Internet of Things.
8.3 Machine Learning Và Phân tích hành vi
Giải pháp phân tích hành vi sử dụng ML/AI có thể nghiên cứu các mẫu lưu lượng truy cập đang diễn ra và phát hiện hành vi nguy hiểm cũng như lưu lượng truy cập C2. NGFW và các giải pháp bảo mật nâng cao khác thường cung cấp khả năng ML và phân tích hành vi thông minh. Cơ sở dữ liệu của các loại hình tấn công được cập nhật liên tục từ các trung tâm tình báo an ninh mạng.
8.4 Cảnh báo tự động
Nền tảng học máy và phân tích hành vi nghiên cứu các mẫu trong dữ liệu lưu lượng truy cập mạng và tự động hóa sẽ gửi email hoặc cảnh báo Slack cho nhân viên CNTT ngay lập tức khi phát hiện thấy điểm bất thường.
8.5 Quét lỗ hổng bảo mật
Lỗ hổng quét các thiết bị và giao thức mạng rồi so sánh chúng với cơ sở dữ liệu về các hình thức tấn công đã biết để xác định các vấn đề như cấu hình sai hay phần mềm lỗi thời. Một số cơ chế quét có khả năng phân loại các lỗ hổng bảo mật theo mức độ rủi ro của chúng.
8.6 Kiểm tra thâm nhập
Một số doanh nghiệp muốn tìm kiếm các lỗ hổng bảo mật tồn tại trên hệ thống bằng cách thuê chính những kẻ tấn công chuyên nghiệp để tìm ra những vấn đề trên. Những tin tặc này xác định các điểm yếu cụ thể trong các tài sản trên web như ứng dụng, tường lửa và máy chủ.
8.7 Hũ Mật Ong - Honeypot
Một hệ thống máy tính được thiết kế đặc biệt để bẫy những kẻ tấn công được gọi là honeypot. Honeypot có thể là một cơ sở dữ liệu hoặc ứng dụng được thiết lập với một cái tên hấp dẫn, ngụ ý thông tin nhạy cảm được lưu trữ ở đó, với mục đích quan sát hành vi của tác nhân đe dọa trước khi chúng tiếp cận các tài sản kỹ thuật số quan trọng.
9. Tổng kết
Trên đây là những thông tin bạn đọc cần biết về TOP 7 mối đe dọa an ninh mạng trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay. Bảo mật là một trong những điều quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần quan tâm, không chỉ đội ngũ CNTT mà là cả tổ chức. Điều này giúp giảm thiểu tổn thất tài chính to lớn từ các cuộc tấn công mạng, cũng như tổn thất về danh tiếng và duy trì hoạt động kinh doanh quan trọng của khách hàng. Đừng quên theo dõi những bài viết hấp dẫn sẽ được đăng tải trong thời gian sắp tới trên viettuans.vn!
Bài viết hay, rất hữu ích.