Chọn MENU

FCC là gì? Các mặt hàng được đăng ký chứng nhận FCC hiện nay

FCC là gì? Chắc hẳn bạn đọc đã quá quen thuộc với logo FCC có mặt trên hầu hết các thiết bị điện tử hiện nay. Vậy chứng nhận FCC là gì? Những loại mặt hàng nào được đăng ký chứng nhận này? Bạn đọc có thể tìm thấy câu trả lời trong bài viết ngay sau đây!

1. FCC là gì?

FCC là gì? Giải thích đơn giản FCC là viết tắt của Federal Communications Commission - Một loại chứng nhận được cấp bởi Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ, với mục đích xác nhận rằng sản phẩm công nghệ không gây ra ảnh hưởng nhiễu động điện từ vượt quá giới hạn mà Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ chấp thuận. Mọi dòng thiết bị điện tử sử dụng sóng vô tuyến muốn được phân phối tại thị trường Mỹ cần phải có chứng nhận FCC.

Toà nhà làm việc Federal Communications Commission
Toà nhà làm việc Federal Communications Commission

1.1. Ý nghĩa của Logo FCC là gì?

Nhãn FCC được niêm yết trên các sản phẩm điện tử được buôn bán trên toàn thế giới không chỉ tại Mỹ. Ý nghĩa của nhãn FCC trên các thiết bị mà ta thường thấy là sự xác nhận các thiết bị này đã qua thử nghiệm và phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật của FCC.

xác nhận các thiết bị này đã qua thử nghiệm và phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật của FCC
Xác nhận thiết bị đã qua thử nghiệm và phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật của FCC

1.2. Các quy định của FCC là gì?

Federal Communications Commission đã đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật để kiểm tra thiết bị điện tử dựa trên các mức độ tần số vô tuyến mà các thiết bị này phát ra. Các quy định của FCC được nêu trong Tiêu đề 47 của Bộ luật Quy định Liên bang (Code of Federal Regulations) dựa trên các thử nghiệm được chia theo từng dòng thiết bị. Cụ thể:

  • FCC Phần 11 “Hệ thống cảnh báo khẩn cấp”.
  • FCC Phần 15 “Thiết bị tần số vô tuyến”.
  • FCC Phần 18 “Thiết bị Công nghiệp, Khoa học và Y tế”.
  • FCC Phần 22 “Dịch vụ Di động Công cộng”.
  • FCC Phần 24 “Dịch vụ Thông tin Cá nhân”.
  • FCC Phần 90 “Dịch vụ vô tuyến điện thoại di động trên đất tư nhân”.
  • FCC Phần 95 “Dịch vụ Radio Cá nhân”.

Nhìn chung các thiết bị điện tử dưới sự quản lý của FCC được chia thành 2 nhóm chính:

  • Các thiết bị phát ra tần số vô tuyến có chủ đích, như một phần hoạt động của chúng.
  • Các thiết bị phát ra tần số vô tuyến không chủ đích, sinh ra sóng vô tuyến do hoạt động tình cờ của chúng.

Chứng nhận FCC mang tính bắt buộc với tất cả các thiết bị điện tử phát ra tần số vô tuyến dao động trên 9 Khz. Các nhà sản xuất thiết bị phải cam kết rằng các sản phẩm của họ sẽ không gây ảnh hưởng tới các thiết bị khác cũng như không gây rủi ro và gây hại cho người sử dụng. 

Nếu hãng sản xuất vẫn phân phối các sản phẩm chưa phù hợp với FCC, không có sự chấp thuận thích hợp sẽ bị phạt tiền và thu hồi tất cả sản phẩm.

2. Các mặt hàng được đăng ký chứng nhận FCC hiện nay

Hiện nay Ủy ban Truyền thông Liên bang yêu cầu các mặt hàng thiết bị điện tử có tần số vô tuyến phải được thử nghiệm để tuân thủ chỉ thị EMC bao gồm:

  • Thiết bị điện tử.
  • Thiết bị tương thích điện từ.
  • Bộ điều hợp nguồn (Adapter).
  • Thiết bị lĩnh vực CNTT.
  • Thiết bị mạng cục bộ không dây Wifi.
  • Máy phát từ xa y tế không dây.
  • Thiết bị đầu cuối vô tuyến và viễn thông.
  • Thiết bị sử dụng sóng Bluetooth.
  • Máy phát điều khiển từ xa.
  • Máy phát vô tuyến di động mặt đất.
  • Thiết bị và hệ thống bảo vệ trong môi trường có rủi ro cháy nổ.
Chứng nhận EMC
Mẫu chứng nhận EMC đối với thiết bị Modem Router

3. Quy trình đăng ký chứng nhận FCC

Để đạt được chứng nhận FCC cho sản phẩm của mình, các nhà sản xuất cần tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình chứng nhận FCC, bao gồm:

3.1. Quy trình kiểm tra sản phẩm

Các sản phẩm cần chứng nhận FCC phải được kiểm tra để đảm bảo rằng chúng tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của FCC. Quy trình kiểm tra này thường bao gồm đo lường các thông số kỹ thuật, kiểm tra khả năng phát sóng và giảm nhiễu, và kiểm tra độ an toàn.

3.2. Quy trình đăng ký và nộp đơn

Các nhà sản xuất cần đăng ký và nộp đơn chứng nhận FCC trực tiếp với FCC hoặc thông qua một tổ chức cấp phép được ủy quyền bởi FCC. Quy trình này bao gồm nộp đơn, hồ sơ sản phẩm, mẫu sản phẩm, thông tin kỹ thuật và các thông tin khác. 

Để được cấp phép chứng nhận, các sản phẩm điện tử được thử nghiệm cần phải có số đăng ký FCC (FRN) được lấy tại FCC’s CORES. Quá trình lấy số FCC sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ địa chỉ doanh nghiệp và thông tin liên hệ.

3.3. Thủ tục chứng nhận

Sau khi nhận được đơn đăng ký và hồ sơ sản phẩm, FCC sẽ tiến hành xác nhận và kiểm tra thông tin, sau đó đưa ra quyết định về việc cấp chứng nhận FCC hoặc từ chối. Quy trình này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, tùy thuộc vào loại sản phẩm và quy định địa phương và quốc gia.

3.4. Cập nhật chứng nhận

Sản phẩm cần cập nhật chứng nhận FCC khi có thay đổi về thiết kế hoặc chức năng của sản phẩm. Quy trình cập nhật này tương tự như quy trình đăng ký ban đầu.

Tóm lại, để đạt được chứng nhận FCC, các nhà sản xuất cần tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của FCC, hoàn thành các quy trình đăng ký và nộp đơn, và đưa ra thông tin chính xác và đầy đủ để FCC có thể xác nhận và kiểm tra sản phẩm.

gif-mui-tenXem tổng hợp các chứng nhận từ nhà phân phối của Việt Tuấn: Chứng nhận phân phối 

4. Một số các chứng nhận sản phẩm quốc tế ngoài FCC Certification

Bên cạnh chứng nhận FCC, một số các chứng nhận sản phẩm khác mà bạn đọc có thể tìm hiểu qua:

4.1. Chứng nhận FDA

FDA (Food and Drug Administration) là Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ. FDA là chứng nhận dành cho thực phẩm, các mặt hàng như bánh kẹo, trái cây, rau củ, thực phẩm khô phải đáp ứng các quy định của chứng nhận FDA nếu muốn được phân phối tại thị trường Mỹ.

Các loại thực phẩm và dược phẩm cần đáp ứng chứng nhận FDA có thể kể đến như:

  • Thực phẩm (bánh kẹo, trái cây, rau củ, thực phẩm khô).
  • Thuốc lá.
  • Thực phẩm chức năng, bổ sung sức khỏe.
  • Dược phẩm theo toa hoặc không theo toa.
  • Vắc-xin.
  • Thiết bị y tế.
  • Thiết bị phát bức xạ điện từ.
  • Các sản phẩm liên quan đến Thú y.
Chứng nhận FDA
Chứng nhận FDA dành cho các loại thực phẩm muốn phân phối tại Mỹ

4.2. Chứng nhận CE

Chứng nhận CE được cấp cho các sản phẩm tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU) để được lưu thông trong các nước châu Âu. Đóng vai trò như “hộ chiếu thương mại” để bước chân vào thị trường EU, chứng nhận CE còn thể hiện sự an toàn về chất lượng sản phẩm, không gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Chứng nhận CE
Chứng nhận CE dành cho các sản phẩm muốn phân phối và tiêu thụ ở thị trường Châu Âu

4.3. Chứng nhận RoHS

RoHS là chứng nhận cho việc đưa ra yêu cầu hạn chế những vật chất nguy hiểm trên sản phẩm và thiết bị. 6 loại chất nguy hiểm được liệt vào danh sách cấm của RoHS bao gồm: Cadmium, Thuỷ ngân, Chromium hoá trị 6, hợp chất PBBs (polybrominated biphenyls), PBDEs (polybrominated diphenyl ethers), và Chì. 

Được xây dựng dựa trên bộ luật của Châu Âu, bất kỳ sản phẩm hay thiết bị nào chứa 1 trong 6 chất trên đều không được lưu thông tại các nước Châu Âu. Các sản phẩm thiết bị điện tử nằm trong diện quản lý của RoHS bao gồm:

  • Thiết bị gia dụng: tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, máy hút bụi, tivi, radio, các loại nhạc cụ…
  • Thiết bị IT và viễn thông như bộ vi xử lý lí dữ liệu, card đồ họa, router cân bằng tải, modem điện thoại, máy fax…
  • Thiết bị điện chiếu sáng: bóng đèn led.
  • Thiết bị cơ khí như máy khoan, máy cưa, máy mài.
  • Thiết bị giải trí điện tử.
  • Thiết bị dụng cụ y khoa.
  • Thiết bị cảnh báo: máy báo cháy, chuông báo cháy…
Chứng nhận RoHS
Chứng nhận RoHS là chứng nhận hạn chế những vật chất nguy hiểm trên sản phẩm và thiết bị

5. Tổng kết

Bài viết trên Viettuans.vn đã tổng hợp những thông tin cần thiết xoay quanh chủ đề FCC là gì? Nếu bạn đọc vẫn còn những thắc mắc cần được giải đáp hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để nhận được câu trả lời chi tiết nhất.

Chia sẻ

Nguyễn Lưu Minh

Chuyên gia của Viettuans.vn với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết bị mạng Networks, System, Security và tư vấn, triển khai các giải pháp CNTT. Phân phối thiết bị mạng, wifi, router, switch, tường lửa Firewall, thiết bị lưu trữ dữ liệu NAS.

0903.209.123
0903.209.123