Card đồ họa rời là gì? Chắc hẳn đối với các game thủ hay các nhà thiết kế, dựng phim không còn xa lạ với card đồ họa rời. Với hiệu năng vượt trội, khả năng xử lý các tác vụ đồ họa nặng, card màn hình rời đã và đang là lựa chọn của nhiều người dùng hiện nay. Cùng Viettuans.vn tìm hiểu chi tiết về dòng card này thông qua bài viết ngay sau đây!
1. Card đồ họa rời là gì?
Card đồ họa rời là gì? Khác với card tích hợp, card đồ họa rời là linh kiện phần cứng độc lập, được lắp thêm vào hệ thống máy tính nhằm gia tăng khả năng xử lý đồ họa của máy tính. Thiết bị này sẽ hỗ trợ xử lý các tác vụ về đồ họa nặng như thiết kế 2D - 3D, render video, giải trí chơi game hay xem phim chất lượng cao.
Card đồ họa rời mang tới hiệu năng tốt hơn rất nhiều lần so với những gì Card đồ họa tích hợp có thể đảm nhiệm.
2. Vai trò của card đồ họa rời là gì?
Vai trò của Card đồ họa có thể kể đến như:
- Tăng cường hiệu suất đồ họa: Một trong những mục đích chính của việc sử dụng card đồ họa rời là để cải thiện hiệu suất xử lý đồ họa của máy tính. Việc nâng cấp card đồ họa giúp máy tính xử lý nhanh hơn các tác vụ đồ họa tiêu biểu như: thiết kế 2D/3D, chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp, render video, dựng phim và trải nghiệm game offline đồ họa khủng.
- Hỗ trợ thiết kế chuyên nghiệp: Các chuyên gia đồ họa và nhà thiết kế đồ họa cần một card đồ họa rời tầm trung cho tới cao cấp để hỗ trợ cho các ứng dụng chuyên nghiệp như Adobe Photoshop, Illustrator, Premiere Pro, hay 3D Max.
- Xử lý đa nhiệm và tác vụ nặng: Việc sử dụng card đồ họa rời cũng giúp máy tính có thể xử lý đa nhiệm và tác vụ nặng một cách mượt mà và hiệu quả hơn so với sử dụng card đồ họa tích hợp, giúp tiết kiệm thời gian và tăng năng suất làm việc.
- Tối ưu hóa cho các tựa game đòi hỏi cấu hình cao: Hiện nay các tựa game đã và đang khoác lên mình nền đồ họa tân tiến, trải nghiệm như thật. Vì vậy không lạ gì khi cấu hình phần cứng cũng được yêu cầu cao hơn, đòi hỏi nhiều tài nguyên đồ họa. Sử dụng Card đồ họa rời giúp tối ưu hóa hiệu suất của máy tính để có thể chơi game mượt mà và trải nghiệm game tốt hơn.
3. Các thông số kỹ thuật của card màn hình rời bạn cần biết
Sau khi nắm rõ Card màn hình rời là gì, nội dung tiếp theo mời bạn đọc tham khảo về cấu tạo của card màn hình rời và các thông số kỹ thuật thông dụng nhất:
3.1. Cấu tạo card màn hình
GPU (Graphics processing units)
Thành phần quan trọng nhất của một chiếc card đồ họa rời chính là GPU hay Đơn vị xử lý đồ họa(Graphics Processing Unit). Tương đồng với CPU (Bộ vi xử lý) - Cơ quan đầu não của cả hệ thống máy tính đóng vai trò phân tích và xử lý dữ liệu phép tính số học, logic, so sánh. Graphics Processing Units sẽ là cơ quan đầu não đảm nhiệm công việc xử lý dữ liệu đồ họa.
Bộ nhớ đồ họa (VRAM)
VRAM sẽ là yếu tố quan trọng thứ hai trong cấu trúc của card màn hình rời. VRAM hay Video Random Access Memory là bộ nhớ lưu trữ ngẫu nhiên đóng vai trò trung gian giữa CPU và Card màn hình. VRAM sẽ lưu trữ hình ảnh và video đã được xử lý, trước khi truyền tải tới màn hình để hiển thị.
Dung lượng VRAM được đo bằng đơn vị Gigabyte (GB). Các dòng Card đồ họa phổ thông cho tới đắt tiền hiện nay đều có dung lượng VRAM từ 2GB - 4GB - 8GB cho tới 32GB. Cũng giống như RAM của hệ thống, dung lượng VRAM càng lớn thì chiếc card đồ họa rời của bạn càng mạnh mẽ và có khả năng xử lý đồ họa càng cao.
Cổng kết nối mainboard
Cổng kết nối trên mainboard là loại khe cắm được nhà sản xuất thiết kế để kết nối Card màn hình với mainboard. Hiện nay, các mainboard đều trang bị khe cắm PCI Express x16 dùng để chạy card màn hình. Các tiêu chuẩn chính của cổng kết nối này có thể kể đến như PCI Express 4.0 x16, PCI Express 3.0 x16, PCI Express 2.0 x16.
Cổng xuất hình
Các dòng card đồ họa hiện nay đều được thiết kế với các cổng xuất hình thông dụng như: HDMI, Displayport, DVI. Các hãng sản xuất card đồ họa rời cũng tích hợp một số công nghệ như Freesync hay G-Sync đòi hỏi người dùng phải kết nối card màn hình với màn hình qua một cổng kết nối nhất định như Displayport để có thể sử dụng tính năng.
3.2. Thông số kỹ thuật của card đồ họa rời
Khi mua sản phẩm card đồ họa chắc chắn những thông số kỹ thuật ngay sau đây bạn không thể bỏ qua:
Core speed/clock
Core Speed hay xung nhịp của GPU sẽ biểu thị tốc độ xử lý khối dữ liệu đồ họa của GPU (tính bằng MHz). Lấy ví dụ về dòng NVIDIA® GeForce® GTX 1060 sẽ có xung nhịp cơ bản là 1506 MHz.
Boost Speed
Boost Speed tương đồng với Turbo Speed của CPU, được hiểu đơn giản là xung nhịp nâng cao khi VGA phải xử lý các tác vụ đồ họa cực nặng như chơi game, render video, ảnh, thiết kế 3D. Tuy nhiên, tăng xung nhịp cũng đồng nghĩa với điện năng tiêu thụ càng cao. Đối với dòng NVIDIA® GeForce® GTX 1060 đã có tuổi đời khá lâu sẽ có xung nhịp Boost vào khoảng 1708 MHz.
CUDA Core
CUDA core là nhân xử lý trong GPU của Card đồ họa, đóng vai trò tính toán các thông tin, dữ liệu đồ họa cần xử lý. Số lượng nhân CUDA càng nhiều tốc độ xử lý đồ họa càng nhanh và chính xác. Hiện nay các dòng Card đồ họa rời tầm trung cho tới cao cấp sẽ có hàng trăm cho tới hàng nghìn nhân CUDA để xử lý các tác vụ về đồ họa như chơi game, thiết kế…
Loại bộ nhớ (Memory Type)
Memory Type được hiểu đơn giản là loại dung lượng bộ nhớ Card đồ họa sử dụng. GDDR hay Graphics Double Data Rate là bộ nhớ chuyên dụng cho Card đồ họa, đảm bảo hiệu suất tối ưu, sử dụng băng thông cao trong quá trình xử lý đồ họa.
Một số loại Memory Type thông dụng có thể kể đến như GDDR5, GDDR5X, GDDR6,...
Tốc độ bộ nhớ (Memory Clock)
Tương tự như GPU Clock hay CPU Clock, Memory Clock cũng thể hiện tốc độ truy cập vào dữ liệu lưu trữ trên VRAM của Card màn hình (tính theo đơn vị MHz).
Tìm hiểu thêm: CPU server là gì? Sự khác biệt của CPU server với CPU thông thường
Bus bộ nhớ (Memory Bus Width)
Bus bộ nhớ hay Memory Bus Width thể hiện lượng dữ liệu được truyền tải trong một khoảng thời gian nhất định. Bus RAM và Memory Clock là 2 thông số quan trọng để tính ra băng thông (bandwidth) của Card.
Băng thông bộ nhớ (Memory Bandwidth)
Memory Bandwidth hay băng thông bộ nhớ thể hiện khả năng truyền tải dữ liệu giữa bộ nhớ VRAM và GPU. Băng thông bộ nhớ phụ thuộc vào Memory Speed và Bus bộ nhớ, hoàn toàn không phụ thuộc vào dung lượng VRAM.
Không phải VRAM càng nhiều thì việc bạn chơi game sẽ càng mượt, thực chất hiệu năng của card đồ họa rời khi chơi game sẽ phụ thuộc chủ yếu vào băng thông bộ nhớ.
Kích cỡ Card đồ họa
Kích cỡ Card đồ họa rời cũng là một yếu tố bạn cần lưu ý trong quá trình lựa chọn hay lắp đặt vào case máy tính. Các dòng card màn hình rời hiện nay cực kỳ nhiều kích cỡ:
- Đối với dòng card rời 1 Fan sẽ có kích cỡ 17 - 19 cm chiều dài và 10 - 12 cm chiều rộng.
- Đối với các dòng card rời 2 Fan sẽ có kích cỡ từ 20 cm chiều dài và 12 cm chiều rộng.
- Đối với dòng card đồ họa rời 3 Fan cao cấp hiện nay có thể có kích cỡ siêu khủng, lên tới hơn 30 cm chiều dài và 14 cm chiều rộng.
Viettuans.vn khuyên bạn nên lựa chọn kích cỡ Card màn hình phù hợp với diện tích của case, đảm bảo không gian trống để không khí có thể lưu thông và chất lượng tản nhiệt sẽ tốt hơn. Trong trường hợp chiếc Card đồ họa rời của bạn lớn hơn rất nhiều so với case máy tính, bạn sẽ cần phải đổi case mới.
Tham khảo thêm bài viết liên quan: Phần cứng máy tính là gì? Các phần cứng máy tính cơ bản
4. So sánh card đồ họa rời và card đồ họa tích hợp
Bạn đọc có thể tham khảo bảng so sánh sau giữa hai dòng card đồ họa hiện nay:
So sánh |
Card đồ họa tích hợp |
Card đồ họa rời |
Hiệu năng |
Trung bình. |
Cao. |
Điện năng tiêu thụ |
Thấp, tiết kiệm pin. |
Cao. |
Thiết kế |
Nhỏ, tối giản. |
Đa dạng kích cỡ lớn - nhỏ |
Khả năng xử lý |
Các tác vụ đồ họa nhẹ. |
Các tác vụ đồ họa nặng 3D. |
Chi phí |
Thấp. |
Đa dạng khoảng giá (Thấp - Cao). |
Đối tượng sử dụng |
Người dùng phổ thông, nhân viên văn phòng. |
Game thủ, nhà thiết kế đồ họa, dựng phim. |
5. Các thương hiệu sản xuất card đồ họa rời nổi tiếng
5.1. Thương hiệu Nvidia
Nvidia là một trong những thương hiệu hàng đầu trong sản xuất card đồ họa. Nvidia là tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ chuyên phát triển và cung cấp các bộ xử lý đồ hoạ (GPU) và sản xuất chipset cho các thiết bị điện tử như máy trạm, máy tính đồ họa, laptop và các thiết bị di động.
GeForce 256 là chiếc Card đồ họa đầu tiên được ra đời và phát hành bởi Nvidia vào năm 1999. Cho đến hiện tại, Nvidia đã phát hành ra thị trường rất nhiều mã sản phẩm card đồ họa rời, có thể kể đến như: Geforce, Quadro, Tesla.
Các thế hệ Nvidia Geforce
Geforce là mã card đồ họa rời chuyên dụng cho game thủ, sở hữu rất nhiều công nghệ tiên tiết để phục vụ chủ yếu cho trải nghiệm gaming.
Series card màn hình |
Năm Phát Hành |
Model |
Geforce Rtx 40 Series |
Năm 2022 |
Geforce RTX 4090 Geforce RTX 4080 Geforce RTX 4070 Ti Geforce RTX 4070 |
Geforce Rtx 30 Series |
Tháng 1 Năm 2021 |
Geforce Rtx 3090 Geforce Rtx 3080 Ti Geforce Rtx 3080 Geforce Rtx 3070 Ti Geforce Rtx 3070 Geforce Rtx 3060 Ti Geforce Rtx 3060 |
Geforce Rtx 3090 Series |
Tháng 1 Năm 2021 |
Geforce Rtx 3090 |
Geforce Rtx 3080 Family |
Tháng 9 Năm 2020 |
Geforce Rtx 3080 Ti Geforce Rtx 3080 |
Geforce Rtx 3070 Family |
Tháng 10 Năm 2020 |
Geforce Rtx 3070 Ti Geforce Rtx 3070 |
Geforce Rtx 3060 Family |
Tháng 12 Năm 2020 |
Geforce Rtx 3060 Ti Geforce Rtx 3060 |
Geforce Rtx 20 Series |
Tháng 1 Năm 2019 |
Geforce Rtx 2080 Ti Geforce Rtx 2080 Super Geforce Rtx 2070 Super Geforce Rtx 2060 Super Geforce Rtx 2080 Geforce Rtx 2070 Geforce Rtx 2060 |
Geforce Gtx 16 Series |
Tháng 2 Năm 2019 |
Geforce Gtx 1660 Ti Geforce Gtx 1660 Super Geforce Gtx 1660 Geforce Gtx 1650 Super Geforce Gtx 1650 |
Mã card đồ họa Quadro
Dòng card đồ họa chuyên dụng Nvidia Quadro dành riêng cho các thiết bị máy trạm chuyên dụng, phục vụ nhu cầu thiết kế và đồ họa. Dòng card Quadro thường không sử dụng để chơi game.
Mã card đồ họa Tesla
Tesla được ra đời năm 2007 là thương hiệu chip xử lý đồ họa GPU thứ ba của Nvidia. Tesla không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ xử lý các tác vụ đồ họa như các dòng card đồ họa thông thường mà còn là thiết bị card đồ họa đa mục đích - GPGPU đầu tiên của Nvidia.
Tesla được phát triển dựa trên kiến trúc điện toán NVIDIA Kepler và sức mạnh của kiến trúc CUDA để hỗ trợ tăng tốc độ ghi ứng dụng mô phỏng hóa sinh, mô hình khí hậu, mô hình tài chính, điện toán vật lý, CAE, CFD, và phân tích dữ liệu.
5.2. Thương hiệu AMD
AMD (Advanced Micro Devices) là thương hiệu sản xuất chip máy tính, card đồ họa rời và các linh kiện điện tử khác lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Intel. Thương hiệu AMD có trụ sở tại Hoa Kỳ. Khi so sánh với Nvidia, AMD được người dùng thế giới nhận định là ông vua card đồ họa giá rẻ.
AMD nổi tiếng với những mã card màn hình rời chuyên dùng cho đồ họa như Firepro W series và các dòng chuyên dùng cho gaming như Radeon RX 6000 series. AMD tích hợp hàng loạt các công nghệ tiên tiến vào các mã card đồ họa rời như:
- FreeSync: tối ưu hóa hình ảnh khiến đồ họa mượt mà, không giật, lag và chống tình trạng xé hình.
- Tích hợp cộng nghệ DirectX 12: thăng hạng hiệu năng, đồ họa tiên tiến siêu thực trên các tựa game hiện đại ngày nay.
- AMD CrossFire: hỗ trợ hệ thống máy tính có thể khai thác đồng thời sức mạnh của 2 hoặc nhiều card đồ họa rời. Gia tăng hiệu năng gaming hay đồ họa khi chạy song song hai card đồ họa.
- Virtual Super Resolution: Giải thích đơn giản thì công nghệ này sẽ upscale độ phân giải mặc định của màn hình để trải nghiệm hình ảnh giàu chi tiết, rõ nét hơn. Lấy ví dụ bạn đang chơi một tựa game ở độ phân giải FHD 1080p, Virtual Super Resolution sẽ cho bạn trải nghiệm tầm cao mới với độ phân giải 4K trên nền FHD.
Bài viết có thể bạn quan tâm: Card mạng là gì
6. Lưu ý khi lựa chọn card đồ họa rời
Bạn đọc đang có nhu cầu sử dụng Card đồ họa. Chắc chắn sẽ không thể bỏ qua một số lưu ý khi lựa chọn Card đồ họa sau đây:
- Nếu bạn là một game thủ thì các dòng Geforce hay Radeon RX sẽ là lựa chọn hàng đầu cho trải nghiệm ổn định 60FPS, với các mức đồ họa medium tới Ultra. Bên cạnh đó các dòng Card đồ họa gaming hiện nay đều có thiết kế cực kỳ ấn tượng, hầm hố và đậm chất gaming với dải đèn led RGB và hệ thống quạt tản nhiệt.
- Nếu bạn là nhà thiết kế 2D/3D, chuyên render video và hoạt động trong các studio về game, các dòng card đồ họa Quadro Series hay Radeon Pro series sẽ cung cấp đầy đủ các tính năng, công nghệ tân tiến và đảm bảo hiệu năng xử lý đồ họa chuyên nghiệp nhất.
- Bạn cần lựa chọn dòng card đồ họa rời phù hợp với cấu hình hệ thống máy tính đang sử dụng để tránh các trường hợp nghẽn cổ chai gây giật lag khi chơi game, cháy nổ linh kiện do nguồn cấp không đủ công suất.
- Lựa chọn các sản phẩm card dựa trên kích cỡ case máy tính bạn đang sử dụng để đảm bảo không gian trống cho không khí lưu thông, qua đó nâng cao hiệu quả tản nhiệt trong quá trình làm việc.
7. Hướng dẫn các bước lắp đặt và sử dụng Card đồ họa rời
Để cài đặt và sử dụng Card đồ họa, bạn đọc cần theo dõi các bước thực hiện sau:
Bước 1: Chuẩn bị
Ở bước chuẩn bị, bạn đọc có thể theo dõi các công đoạn chính như:
- Kiểm tra công suất nguồn điện có đảm bảo công suất tiêu thụ của Card đồ họa? Nếu không bạn cần nâng cấp PSU để tránh rủi ro cháy nổ và giảm tuổi thọ của linh kiện do công suất nguồn quá yếu.
- Tính toán không gian trống trong case: Case máy tính đang dùng liệu có đủ chỗ trống để lắp chiếc card đồ họa rời bạn vừa mua? Hãy đảm bảo không gian trống để không khí có thể lưu thông trong quá trình tản nhiệt. Nếu chiếc card đồ họa của bạn có kích cỡ quá khủng, đồng nghĩa bạn cần mua một vỏ case khác lớn hơn.
- Tháo Card màn hình cũ(Nếu có): Ở công đoạn này bạn cần gỡ bỏ hoàn toàn bộ cài đặt driver cũ. Sau khi đã gỡ bỏ thành công driver, trước khi tiến hành tháo card bạn cần ngắt nguồn điện của máy tính.
Bước 2: Lắp đặt Card đồ họa vào case
- Bạn cần tìm vị trí của khe PCI Express trên bo mạch chủ. Lúc này bạn chỉ cần tiến hành lắp Card màn hình vào đúng khe PCI-E. Hiện nay các dòng mainboard hỗ trợ các khe cắm tiêu chuẩn PCI Express 4.0 x16, PCI Express 3.0 x16, PCI Express 2.0 x16. Khi card được lắp đúng vị trí bạn sẽ nghe thấy tiếng cách. Đừng quên cố định VGA vào case.
- Trong trường hợp chiếc card đồ họa rời của bạn quá khủng với trọng lượng lớn, bạn sẽ cần dùng giá đỡ để chống cong vênh vừa giảm tải cho bo mạch chủ. Bên cạnh đó các dòng giá đỡ VGA hiện nay cũng khá đa dạng thiết kế và làm tăng tính thẩm mỹ cho hệ thống máy tính của bạn.
- Sau khi lắp Card đồ họa, bước tiếp theo bạn cần cắm dây nguồn cho card. Một số dòng sẽ yêu cầu nguồn phụ để đảm bảo công suất đủ cho hoạt động của card. Trong trường hợp mainboard của bạn không có cổng PCI E bạn sẽ cần sử dụng cổng chuyển đổi Molex sang PCI-E.
- Kết nối dây truyền tín hiệu ra màn hình vào một trong các cổng xuất hình của Card đồ họa như Displayport, HDMI, DVI, VGA.
Lúc này 2 giai đoạn chuẩn bị và lắp đặt phần cứng đã hoàn tất, tiếp theo người dùng sẽ cần cài đặt Driver cho Card đồ họa để có thể sử dụng.
Bước 3: Cài đặt phần mềm driver hỗ trợ Card đồ họa rời
Để giải thích đơn giản thì Driver là Trình điều khiển thiết bị, cho phép sự sự tương tác giữa Card đồ họa và hệ điều hành trong các tác vụ xử lý đồ họa.
Cách thức cài đặt Driver hỗ trợ cũng khá đơn giản, bạn đọc có thể tham khảo các cách sau:
- Sử dụng tính năng Windows Update để tự động tải và cài đặt bản cài đặt driver phù hợp cho card đồ họa rời.
- Tự truy cập vào trang chủ hỗ trợ của hãng sản xuất card để tải bản driver mới nhất:
- Đối với Nvidia, trang chủ để tải Driver dành cho bạn: https://www.nvidia.com/download/index.aspx.
- Đối với AMD, bạn có thể truy cập https://www.amd.com/en/support.
- Sử dụng các phần mềm hỗ trợ cho việc phát hiện và tự động tải Driver như GeForce Experience của nhà Nvidia và AMD Software Adrenalin Edition tới từ nhà AMD.
- Truy cập vào Device Manager và tìm mục Display Adapter -> Chuột phải vào card màn hình được phát hiện và chọn update driver -> Hệ thống sẽ tự động tải xuống driver và cài đặt.
Trong các cách cài đặt driver cho card đồ họa rời trên, Viettuans.vn khuyến khích bạn nên sử dụng cách tải trực tiếp driver từ trang chủ của hãng, tránh tải ở những nguồn website lậu.
8. Tổng kết
Hi vọng rằng bài viết trên đã cung cấp đầy đủ cho bạn đọc những thông tin bổ ích xoay quanh card đồ họa rời là gì? Hãy đón đọc những bài viết mới nhất của chúng tôi. Hứa hẹn sẽ có rất nhiều thông tin và kiến thức lý thú đang chờ đợi bạn khám phá!
Bài viết hay, rất hữu ích.