An ninh mạng là yếu tố quan trọng đã và đang được hầu hết các tổ chức chú trọng trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. An ninh mạng là 1 tập hợp các cơ chế ngăn chặn các mối đe dọa từ bên ngoài, bảo vệ thông tin User và dữ liệu truyền tải trong mạng nội bộ, giám sát để phát hiện các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài và kiểm soát người dùng & thiết bị được phép truy cập. Hãy cùng Việt Tuấn khám phá chi tiết về an ninh mạng trong bài viết ngay sau đây!
1. Những điều bạn cần biết về an ninh mạng
An ninh mạng là 1 tập hợp của nhiều cơ chế bảo mật, phương pháp bảo vệ an toàn cho các hệ thống máy tính, thiết bị, dữ liệu và ứng dụng trên internet hoặc các mạng nội bộ khỏi các cuộc tấn công, xâm nhập không mong muốn trong không gian mạng. Các chuyên gia an ninh mạng là lực lượng có vai trò quan trọng trong lĩnh vực an ninh mạng, họ phân tích, thử nghiệm và đưa ra các biện pháp và công cụ an ninh mạng để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm khỏi những truy cập trái phép cũng như ngăn chặn rủi ro hệ thống mạng nội bộ bị gián đoạn bởi các cuộc tấn công đa hình thức bằng Virus, Malware, Ransomware…
Tìm hiểu thêm thông tin về mạng nội bộ qua bài viết: Mạng LAN là gì? Kết nối, công dụng và ứng dụng của mạng LAN
2. Tại sao an ninh mạng lại quan trọng đến vậy?
Các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực kinh tế hiện nay như năng lượng, vận tải, bán lẻ và sản xuất không chỉ bảo vệ tài sản vật lý mà còn phải bảo vệ tài sản kỹ thuật số bao gồm hệ thống máy chủ tập tin, dữ liệu doanh nghiệp, khách hàng, hệ thống thiết bị mạng… Các hình thức xâm nhập trái phép có chủ đích nhắm vào hệ thống Workstation, hạ tầng mạng đều được coi là các sự kiện an ninh mạng.
Nếu cuộc tấn công xảy ra thành công, dữ liệu quan trọng không chỉ của doanh nghiệp mà còn của khách hàng sẽ bị lộ, đánh cắp, xóa bỏ hoặc chỉnh sửa trái phép. Tại sao an ninh mạng lại quan trọng đến vậy, ngay sau đây là những lý do mà bạn cần chú trọng:
- Phát hiện, ngăn chặn và giảm thiểu tối đa tổn thất
Các doanh nghiệp hoặc tổ chức triển khai các chiến lược an ninh mạng giúp giảm thiểu những tổn thất không mong muốn khi xảy ra các cuộc tấn công mạng có thể ảnh hưởng tới uy tín công ty, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh & tài chính.
- Đảm bảo tuân thủ theo quy định
Các doanh nghiệp thuộc những ngành nghề kinh doanh và khu vực cụ thể trên thế giới sẽ phải tuân thủ các yêu cầu và quy định để bảo vệ an toàn dữ liệu nhạy cảm trước những rủi ro an ninh mạng có thể xảy ra. Ví dụ các công ty hoạt động ở Châu Âu phải tuân thủ Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR).
- Giảm thiểu các mối đe dọa mạng biến hóa khôn lường
Công nghệ càng phát triển, các cuộc tấn công an ninh mạng cũng càng phát triển và biến đổi không ngừng để tìm ra và khai thác lỗ hổng trong hệ thống bảo mật của công nghệ. Những kẻ tấn công sẽ sử dụng những công cụ mới và các chiến lược tấn công khác nhau để đạt được 1 trong những mục đích của các cuộc tấn công mạng (Đánh cắp, phá hoại, thay đổi). Các tổ chức sẽ cần áp dụng, đầu tư cho hạ tầng bảo mật vật lý, đào tạo nhân sự và nâng cấp các biện pháp an ninh mạng mới để đối phó với các mối đe dọa mạng biến hóa khôn lường.
3. Các loại hình tấn công an ninh mạng hiện nay
Dưới đây là một số ví dụ về những mối đe dọa an ninh mạng phổ biến hiện nay:
- Phần mềm độc hại
Phần mềm độc hại hay malware bao gồm một loạt các chương trình phần mềm được lập trình để cho phép kẻ tấn công truy cập trái phép vào thông tin nhạy cảm của người dùng, doanh nghiệp hoặc làm gián đoạn hoạt động kinh doanh gây ảnh hưởng tới khách hàng. Những cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại từng được ghi nhận bao gồm Trojan, mã độc, phần mềm gián điệp và virus.
- Phần mềm tống tiền
Phần mềm tống tiền được những kẻ lừa đảo áp dụng trong nhiều hình thức tấn công vào dữ liệu người dùng. Điều này có thể diễn ra nếu người dùng truy cập vào các Website độc hại hoặc tải những phần mềm hoặc tập tin từ nguồn không xác định. Dữ liệu của người dùng sẽ bị mã hóa và tin tặc sẽ sử dụng điều này để tống tiền người dùng.
- Lừa đảo thông tin
Lừa đảo thông tin là hình thức tấn công an ninh mạng sử dụng các hình thức tấn công phi kỹ thuật để lừa người dùng tiết lộ thông tin cá nhân. Những kẻ tấn công mạng có thể sử dụng email với đường Link khuyến khích người dùng nhấp vào để nhập dữ liệu cá nhân hay thông tin thẻ tín dụng trên website thanh toán giả mạo. Các cuộc tấn công lừa đảo thông tin là hình thức tấn công diễn ra thường xuyên nhất hiện nay.
- DDoS
Tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) là hình thức tấn công gửi một lượng lớn các yêu cầu giả mạo nhằm gây quá tải cho máy chủ doanh nghiệp. Điều này có thể gây ra tình trạng tê liệt cho hệ thống máy chủ, ngừng hoạt động các dịch vụ của tổ chức và gây khó khăn cho khách hàng khi truy cập.
Đọc thêm: DDoS là gì? Các loại tấn công DDoS và cách phòng tránh
- Mối đe dọa nội bộ
Một mối đe dọa từ nội bộ là rủi ro an ninh mạng gây ra bởi chính đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp. Kẻ tấn công có thể dựa vào quyền truy cập của tài khoản Users và thực hiện các hành vi độc hại nhắm vào dữ liệu nhạy cảm của doanh nghiệp hoặc thay đổi cài đặt hệ thống máy tính làm mất ổn định tính bảo mật của cơ sở hạ tầng từ bên trong.
4. 3 biện pháp tốt nhất để bảo vệ an ninh mạng
3 biện pháp tốt nhất để bảo vệ an ninh mạng mà bạn đọc cần chú trọng bao gồm:
4.1 Đào tạo nguồn nhân sự
Đào tạo nhân sự CNTT đã và đang được các doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn. Nhân viên CNTT là người thực thi các chiến lược an ninh mạng được đề ra bởi tổ chức, sử dụng và thiết lập hạ tầng bảo mật và trực tiếp xử lý các tổn thất của các cuộc tấn công.
Thực tế cho thấy, an ninh mạng không chỉ là trách nhiệm của riêng các chuyên gia bảo mật mà còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận vấn đề và sự chung tay của toàn bộ đội ngũ nhân viên doanh nghiệp trong việc bảo vệ tính bảo mật. Các tổ chức hiện nay đã và đang đưa vào các buổi đào tạo, hướng dẫn nhân viên cách thức bảo vệ thiết bị cá nhân, cũng như giúp họ nhận biết và ngăn chặn các hình thức tấn công.
4.2 Thiết lập 1 quy trình an ninh mạng
Mỗi tổ chức doanh nghiệp sẽ cần thiết kế, tối ưu và phát triển một quy trình về bảo mật an ninh mạng, bao gồm các bước xử lý và chiến lược đối phó với từng hình thức tấn công nhất định. Từ đó, đảm bảo tính sẵn sàng, độ tin cậy và khả năng phục hồi của hệ thống bảo mật doanh nghiệp trước những sự cố an ninh mạng.
4.3 Đầu tư vào công nghệ
Các công nghệ như Tường lửa Firewall, Antivirus, mô hình bảo mật Zero Trust, chống thư rác AntiSpam, MAC Filtering, xác thực đa truy cập, phát hiện và ngăn chặn lưu lượng bất thường IPS để bảo vệ toàn diện cho hệ thống mạng của doanh nghiệp. Công nghệ là công cụ được sử dụng bởi đội ngũ nhân sự CNTT nhằm đối phó với các cuộc tấn công an ninh mạng.
Đọc thêm: IPS là gì? Vai trò của hệ thống IPS trong không gian mạng
Hiện nay, nhiều giải pháp an ninh mạng đã và đang áp dụng trí thông minh nhân tạo AI và công nghệ tự động hóa để giảm bớt 1 phần công việc cho đội ngũ kỹ thuật. Điều này cho phép phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công an ninh mạng mà không cần sự can thiệp của con người. Việc đầu tư vào 1 hệ thống bảo mật đa lớp là chiến lược được triển khai song song với việc đào tạo nguồn nhân sự CNTT tại các tổ chức hiện nay.
5. Tổng kết
Trên đây là những thông tin bạn đọc cần biết về an ninh mạng. Hi vọng rằng bạn đọc đã có những kiến thức bổ ích về chủ đề này. An ninh mạng là một tập hợp các quy trình, biện pháp tối ưu và giải pháp công nghệ giúp bảo vệ các hệ thống và mạng quan trọng khỏi các cuộc tấn công kỹ thuật số. Đừng quên theo dõi những bài viết mới nhất sắp được đăng tải trên Viettuans.vn trong thời gian sắp tới!
Bài viết hay, rất hữu ích.